Hải Hậu A
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Ấm áp tình Đoàn kết tại buổi Giao lưu Văn hóa với Đại học Burapha

3 posters

Go down

Ấm áp tình Đoàn kết tại buổi Giao lưu Văn hóa với Đại học Burapha Empty Ấm áp tình Đoàn kết tại buổi Giao lưu Văn hóa với Đại học Burapha

Bài gửi by chauhuyen 25/12/18, 08:31 pm

Ấm áp tình Đoàn kết tại buổi Giao lưu Văn hóa với Đại học Burapha
Sáng ngày 13/12/2018 tại cơ sở số 3 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng, Ban Dự án P2A phối hợp cùng Phòng Trao đổi Sinh viên Toàn cầu Đại học Duy Tân tổ chức buổi giao lưu văn hóa với giảng viên và sinh viên Đại học Burapha. Đây là hoạt động đầy ý nghĩa và bổ ích để sinh viên Duy Tân có cơ hội tìm hiểu về đất nước, văn hóa và con người Thái Lan, cũng như kết nối tình bạn giữa sinh viên các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Ấm áp tình Đoàn kết tại buổi Giao lưu Văn hóa với Đại học Burapha 14-12-2018-8-25-43-87
Đại diện 2 trường cùng nhau trao quà lưu niệm
 
Hòa trong không khí sôi nổi, náo nhiệt của buổi giao lưu là sự góp mặt của 2 giảng viên và 25 sinh viên Đại học Burapha cùng với hơn 80 sinh viên Đại học Duy Tân đến từ các Khoa Đào tạo Quốc tế, Khoa Du lịch, Khoa Ngoại ngữ và Khoa Dược. Khuấy động không khí là các tiết mục văn nghệ, trò chơi vô cùng hấp dẫn nhằm tạo cơ hội làm quen và thắt chặt tình bạn giữa sinh viên 2 trường. Tại đây, sinh viên Việt Nam - Thái Lan cùng nhau trò chuyện, trao đổi và chia sẻ những nét đặc sắc trong văn hóa của đất nước mình.
 
Đại diện sinh viên Duy Tân đã giới thiệu tới sinh viên trường bạn về hình ảnh quê hương, con người và bản sắc dân tộc Việt Nam qua những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trang phục truyền thống, món ăn cổ truyền cùng phong tục tập quán nổi bật của nhiều vùng miền khác nhau. Bên cạnh đó, sinh viên Đại học Burapha cũng chia sẻ với các bạn trẻ Duy Tân về một “Thái Lan thu nhỏ” với những nét văn hóa độc đáo, những điểm đến hấp dẫn, cùng thiên đường ẩm thực phong phú. Điều này đã tạo nên những phút giây trò chuyện vui vẻ và mở ra một không gian kết nối giữa những con người đến từ những vùng đất khác nhau.
 
Tại buổi giao lưu, thầy Chayanon Chootanon - Giảng viên Đại học Burapha chia sẻ: “Cuộc gặp gỡ thân tình với trường Đại học Duy Tân đã mở ra cơ hội để sinh viên Đại học Burapha cùng nhau khám phá về một đất nước Việt Nam giàu đẹp với những con người thân thiện, hiếu khách. Những món ăn truyền thống thú vị, những bộ trang phục áo dài duyên dáng cùng những lễ hội độc đáo của người Việt, chắc hẳn sẽ là những kỉ niệm khó quên nhất. Chúng tôi hy vọng trong tương lai, Đại học Duy Tân và Đại học Burapha sẽ cùng nhau hợp tác, giao lưu, trao đổi văn hóa, giáo dục và ngày càng thắt chặt tình đoàn kết.”
Ấm áp tình Đoàn kết tại buổi Giao lưu Văn hóa với Đại học Burapha 14-12-2018-8-26-45-92
Sinh viên Đại học Burapha chụp ảnh lưu niệm tại buổi giao lưu
 
Chương trình giao lưu khép lại trong sự tiếc nuối của biết bao sinh viên, nhưng lại là khởi nguồn cho một tình bạn đẹp giữa những con người ở 2 đất nước khác nhau. Hành trình P2A (Passage to ASEAN) thực sự đem đến một ý nghĩa to lớn, không chỉ riêng với sinh viên Duy Tân mà còn đối với các trường đại học khác trong việc mở mang kiến thức, gắn kết tình hữu nghị và mở rộng cơ hội phát triển nghề nghiệp. Đây là tiền đề quan trọng, góp phần tạo dựng nền tảng hợp tác lâu dài và bền vững giữa các trường đại học uy tín trong khu vực Đông Nam Á.
 
Đại học Burapha được thành lập từ tháng 7/1955, là 1 trong 8 trường đại học công lập lớn nhất Thái Lan và được đánh giá cao về chất lượng đào tạo, mô hình giáo dục và trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên. Hiện nay, nhà trường áp dụng giảng dạy ngôn ngữ tiếng Anh cho hơn 50 chương trình đào tạo các bậc như: Đại học, Cao học, Tiến sĩ.
 
(Truyền Thông)

https://duytan.edu.vn/news/NewsDetail.aspx?id=4354&pid=2062&page=0&lang=vi-VN
chauhuyen
chauhuyen
Mem cấp 6
Mem cấp 6

Tham gia : 12/02/2016
Bài viết : 1573


Về Đầu Trang Go down

Ấm áp tình Đoàn kết tại buổi Giao lưu Văn hóa với Đại học Burapha Empty Re: Ấm áp tình Đoàn kết tại buổi Giao lưu Văn hóa với Đại học Burapha

Bài gửi by tuanh 27/12/18, 01:45 pm

[size=32]Sinh viên Duy Tân giành gi[/size][size=32]ả[/size][size=32]i Nhì Loa Thành 2018[/size]
Bảng thành tích của khối ngành Kiến trúc và Xây dựng Đại học (ĐH) Duy Tân tiếp tục được nối dài khi nhóm sinh viên tham dự Giải thưởng Loa Thành 2018 đã xuất sắc “rinh” về 1 giải Nhì và 2 giải Hội đồng. Kết quả này đã đưa Duy Tân trở thành đại học có thành tích tốt nhất ở khu vực Đà Nẵng tại Giải Loa Thành năm nay.
 
Loa Thành là giải thưởng do Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục & Đào tạo, và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức nhằm chọn ra những Đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên các trường thuộc khối ngành Kiến trúc và Xây dựng. Năm nay có 154 đồ án tốt nghiệp trong khối ngành Kiến trúc, Xây dựng trên cả nước tham gia dự thi. Loa Thành được xem là giải thưởng được mong chờ và danh giá nhất năm đối với sinh viên trong khối ngành Kiến trúc và Xây dựng ở Việt Nam.
Ấm áp tình Đoàn kết tại buổi Giao lưu Văn hóa với Đại học Burapha H1_xrms
Sinh viên Hồ Phụng Hoàn bảo vệ đồ án tốt nghiệp với đề tài “Cầu Sông Hiếu”
Năm nay có 72 giải thưởng chính thức gồm: 3 giải Nhất, 13 giải Nhì, 21 giải Ba và 35 giải Hội Đồng được trao cho các đồ án chất lượng nhất. Lễ vinh danh sinh viên đoạt giải Loa Thành 2018 sẽ được tổ chức vào ngày 23/12/2018 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.
 
TS. Nguyễn Thế Dương - Trưởng Khoa Xây dựng ĐH Duy Tân, người có nhiều năm liền tham gia hướng dẫn sinh viên choGiải thưởng Loa Thành và cũng là người đã trực tiếp hướng dẫn sinh viên thực hiện đồ án đoạt giải năm nay chia sẻ: “Giải thưởng Loa Thành trao cho sinh viên Duy Tân năm nay và cả những năm trước đó đã cho thấy chất lượng đào tạo khối ngành Kiến trúc và Xây dựng của ĐH Duy Tân so với các cơ sở khác ở miền Trung.Nỗ lực của thầy trò Duy Tân đã có những kết quả đáng trân trọng. Đồ án Loa Thành đòi hỏi ở sinh viên nhiều kiến thức, kỹ năng do đó bản thân mỗi sinh viên khi muốn có một đồ án tốt để dự thi đều phải nỗ lực gấp nhiều lần so với các bạn cùng học. Đồ án không chỉ thể hiện năng lực về chuyên môn, kỹ thuật mà còn thể hiện sự sáng tạo nhạy bén trong thiết kế, sự kiên trì, nhẫn nại trong học tập, sự tìm tòi, học hỏi từ các tài liệu nước ngoài. Trong suốt 22 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa Xây Dựng luôn đặt mục tiêu đào tạo ra các kỹ sư có khả năng hành nghề ngay sau khi ra trường mà không phải huấn luyện lại cùng năng lực sáng tạo, làm việc độc lập, và làm việc nhóm. Bởi thế, ngay từ thời điểm còn ngồi trên ghế giảng đường, theo mô hình đào tạo CDIO, các em luôn được khuyến khích sáng tạo, trình bày và hoàn thiện đồ án như những đồ án, dự án thực tế”.
Ấm áp tình Đoàn kết tại buổi Giao lưu Văn hóa với Đại học Burapha H2_iqmp
Đồ án “Cầu Sông Hiếu” giành giải Nhì Loa Thành 2018 của sinh viên Hồ Phụng Hoàn, ĐH Duy Tân
 
Giải Nhì của ĐH Duy Tân thuộc về sinh viên Hồ Phụng Hoàn - Khoa Xây dựng với đề tài “Cầu Sông Hiếu”. Hồ Phụng Hoàn đã thiết kế một cầu Dây văng để vượt một dòng sông lớn với số trụ ít nhất. Trong đồ án này, Phụng Hoàn đã thiết kế công trình có nhiều tính nghệ thuật trong khi đảm bảo khả thi về kỹ thuật, thực hiện được nhiều tính toán, thiết kế khó. Một trong những điểm đặc biệt của đồ án là sinh viên đã tiếp cận sử dụng một số công cụ và công đoạn của quy trình thiết kế BIM (Building Information Modeling - tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình). Hiện tại, Khoa Xây dựng ĐH Duy Tân đã đưa một số phần mềm như MiDas Civil, Pilling, spColumn,... theo quy trình BIM vào giảng dạy trong các chương trình đào tạo. Phần mềm được sử dụng trong đồ án không chỉ hỗ trợ thiết kế mô hình đảm bảo tính chuẩn xác mà còn giúp đồ án được trình bày một cách khoa học, dễ hiểu cho tất cả các đối tượng xem thiết kế đồ án. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng thời gian gần đây đã rất khuyến khích sinh viên học hỏi thêm về các phần mềm này và sẵn sàng tuyển dụng khi sinh viên có thể sử dụng thuần thục các phần mềm thực hiện theo BIM.
 
Hồ Phụng Hoàn chia sẻ:“Em đã thực sự tâm huyết khi thực hiện đề tài này. Việc xây dựng Cầu Sông Hiếu sẽ góp phần hoàn thiện và phát triển các tuyến giao thông trong mạng lưới giao thông của thành phố Đông Hà (Quảng Trị) giúp tạo điều kiện phát triển du lịch, phát triển kinh tế, góp phần ổn định đời sống người dân. Cầu Sông Hiếu được xây dựng sẽ giúp giảm bớt lưu lượng qua Quốc lộ 1, đi qua thành phố nhằm giảm tắc nghẽn giao thông và cũng là biểu tượng đẹp của thành phố Đông Hà. Theo em, xây dựng Cầu qua Sông Hiếu là dự án thực sự cần thiết, cần được đầu tư thực hiện trong thời gian tới do đó em đã thiết kế công trình này. Nhận được giải Nhì Loa Thành 2018, em rất vui và xin gửi lời cám ơn các thầy cô hướng dẫn trong Khoa Xây dựng ĐH Duy Tân và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Công trình Giao thông 5 - là nơi em thực tập, đã giúp em có cơ hội để tiếp cận công việc như một kỹ sư, trực tiếp lên ý tưởng và hoàn thiện đề tài Cầu Sông Hiếu”.
 
Hai đồ án gồm “Bảo tàng Mộc Kim Bồng” của sinh viên Lê Đức Hoàn và đề tài “Da Nang International Airport Building” của sinh viên Nguyễn Văn Chung và Tô Văn Khải của ĐH Duy Tân cũng đã giành giải Hội đồng, được Hội đồng Loa Thành 2018 đánh giá cao khi sử dụng nhiều phần mềm phối hợp để thiết kế và giúp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng một cách nhanh nhất cũng như có nhiều sáng tạo và mới lạ.
 
Các bạn có thể xem thêm thông tin về đào tạo Kiến trúc và Xây dựng của ĐH Duy Tân tại đây: Khoa Xây dựng và Khoa Kiến trúc
 
P.V

https://www.tienphong.vn/giao-duc/sinh-vien-duy-tan-gianh-giai-nhi-loa-thanh-2018-1351585.tpo
tuanh
tuanh
Mem cấp 6
Mem cấp 6

Tham gia : 14/02/2016
Bài viết : 1560


Về Đầu Trang Go down

Ấm áp tình Đoàn kết tại buổi Giao lưu Văn hóa với Đại học Burapha Empty Re: Ấm áp tình Đoàn kết tại buổi Giao lưu Văn hóa với Đại học Burapha

Bài gửi by oanhoanh2211 27/12/18, 02:38 pm

[size=32]Sinh viên Duy Tân giành giải Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2018[/size]
Sinh viên Lê Văn Thắng, Đại học Duy Tân đã xuất sắc giành giải Ba trong lĩnh vực Xã hội & Nhân văn tại Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2018.
Ấm áp tình Đoàn kết tại buổi Giao lưu Văn hóa với Đại học Burapha Giaithuong_sxwc
Sinh viên Lê Văn Thắng (đứng giữa) bên các cán bộ, giảng viên ĐH Duy Tân
Vượt qua 14 đề tài nghiên cứu xuất sắc trong cùng lĩnh vực tại vòng Chung kết, sinh viên Lê Văn Thắng - chuyên ngành Văn hóa Du lịch, Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn của Đại học (ĐH) Duy Tân dự thi với đề tài “Sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái” đã xuất sắc giành giải Ba trong lĩnh vực Xã hội & Nhân văn tại Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2018 diễn ra từ ngày 23đến 24.11.2018 tại TP.Hồ Chí Minh.
Đây là giải thưởng nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, tạo môi trường kết nối, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào sản xuất và cuộc sống do Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh phối hợp cùng ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức. Giải thưởng Euréka không chỉ là thước đo chất lượng đào tạo mà còn là nguồn động viên, khuyến khích sinh viên tích cực đưa ra những ý tưởng, những giải pháp, những phát minh mới, tham gia nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo góp phần phát triển đất nước.
Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2018 đã thu hút 2.286 thí sinh đến từ 106 trường đại học, cao đẳng tham gia. Trong đó, đã có 952 đề tài nghiên cứu trong 12 lĩnh vực gồm: Xã hội & Nhân văn, Giáo dục, Kinh tế, Pháp lý, Kỹ thuật, Quy hoạch, Kiến trúc và Xây dựng, Công nghệ thông tin, Công nghệ Hóa, Dược, Công nghệ Sinh-Y sinh, Nông lâm Ngư nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, và Công nghệ thực phẩm được gửi đến dự thi. Đây đều là những đề tài chất lượng đã vượt qua vòng tuyển chọn khắt khe ở cấp trường, được Hội đồng Khoa học các trường đánh giá cao trước khi gửi đăng ký tranh tài tại Euréka 2018.
Ấm áp tình Đoàn kết tại buổi Giao lưu Văn hóa với Đại học Burapha Vietnamhoc_lxuf
Sinh viên Lê Văn Thắng với giải Ba Euréka 2018
Gửi đến Euréka 2018 đề tài “Sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái”, sinh viên Lê Văn Thắng của ĐH Duy Tân được đánh giá cao bởi mặc dù khảo sát trên chất liệu truyền thống là dân ca, nhưng đã có được cái nhìn hoàn toàn mới về văn hóa dựa trên lý thuyết Phê bình sinh thái (EcoCriticism). Phê bình sinh thái ở đây là một hướng nghiên cứu mang tính chất liên ngành, tìm về những tri thức bản địa nhằm làm rõ sự ảnh hưởng của các điều kiện sinh thái đến công cuộc mưu sinh, văn hóa và phong tục tập quán,… của người dân xứ Quảng để đưa ra những giải pháp giúp con người sống hài hòa với môi trường tự nhiên trong thời đại mà biến đổi khí hậu đang là một vấn đề bức thiết toàn cầu.
Trong suốt 3 năm nghiên cứu, Văn Thắng đã được TS Trần Thị Ánh Nguyệt - giảng viên Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Duy Tân hướng dẫn hỗ trợ rất nhiều trong nghiên cứu và phát triển đề tài. Đồng thời, Văn Thắng cũng được nghệ sĩ Trịnh Công Sơn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài Chòi Đà Nẵng, Trung tâm Văn hóa TP.Đà Nẵng và các chuyên gia nghiên cứu về xứ Quảng giúp đỡ trong việc khai thác và làm rõ phần giai điệu, cũng như lời thơ trong dân ca xứ Quảng. Văn Thắng cũng có lợi thế hơn khi nghiên cứu đề tài này bởi bản thân đang theo học chuyên ngành Văn hóa Du lịch của ĐH Duy Tân, được học nhiều về những kiến thức về văn hóa địa phương.
Được Hội đồng Ban Giám khảo đánh giá cao, đề tài nghiên cứu “Sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái” của sinh viên Lê Văn Thắng đã xuất sắc “cán đích” với giải ba trong lĩnh vực Xã hội & Nhân văn tại Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka lần thứ 20.
Văn Thắng chia sẻ: “Hiện giờ, em đang thực sự rất vui khi được nhận được giải thưởng này. Mục tiêu ban đầu của em khi gửi đề tài dự thi là mong muốn được giao lưu học hỏi và tìm hiểu các hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực Khoa học Xã hội & Nhân văn. Do đó, khi biết đề tài của mình nằm trong top 14 đề tài thuộc lĩnh vực Xã hội & Nhân văn được lựa chọn tham dự vòng Chung kết, em thực sự rất vui. Tuy nhiên, lúc đó em cũng khá lo lắng khi các đề tài tham dự vòng Chung kết đều đến từ các trường đại học uy tín như: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH An ninh Nhân dân, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM, ĐH Sư Phạm - ĐH Đà Nẵng,... Và may mắn đã đến với em khi ĐH Duy Tân giành giải ba toàn quốc.
Trong tương lai, em sẽ tiếp tục nghiên cứu về dân ca xứ Quảng. Em được biết mới đây nhất, vào tháng 12.2017, Bài Chòi đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, nên việc bảo tồn và phát huy những tinh hoa của dân ca xứ Quảng là điều vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, Du lịch đang trở thành một ngành kinh tế trọng điểm của Đà Nẵng nói riêng và cả miền Trung Việt Nam nói chung. Do đó, để tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách bốn phương thì cần quan tâm đến yếu tố văn hóa bản địa, trong đó có các hình thức diễn xướng dân ca để khách du lịch có được những trải nghiệm văn hóa lý thú. Bản thân em cho rằng, khi mà âm nhạc hiện đại với Pop, Rock, Soul,... đã trở nên thịnh hành trong giới trẻ thì âm nhạc truyền thống lại có nguy cơ mai một, em hy vọng thông qua đề tài có thể truyền tải thông điệp đến những người trẻ rằng hãy luôn hiểu, yêu và giữ gìn các di sản văn hóa âm nhạc cổ truyền bởi trong đó chứa đựng các giá trị văn hóa và tinh thần của người Việt, thực sự quý giá cho các thế hệ sau”.
Trước đó, Văn Thắng cũng đã có nhiều nghiên cứu được lựa chọn tham dự các hội nghị và đăng tải tại các tạp chí uy tín gồm:
-              Đề tài “Ý thức sinh thái miền sông biển trong dân ca xứ Quảng” tham dự Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5.
-              Đề tài “Cảm hứng miền sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái” đăng trong Tạp chí Văn Hóa Dân Gian.
-              Đề tài “Đi tìm điệu buồn của câu hát dân ca miền sông biển xứ Quảng” đăng trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế 2017 Nghiên cứu và Giảng dạy Việt Nam học.
-              Đề tài “Du lịch sinh thái miền sông biển trong dân ca xứ Quảng” trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế lần thứ nhất Phát triển du lịch bền vững ở miền Trung Việt Nam và ASEAN.
Các bạn có thể xem thêm thông tin về đào tạo chuyên ngành Văn hóa Du lịch của ĐH Duy Tân tại đây: Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn

https://thanhnien.vn/giao-duc/sinh-vien-duy-tan-gianh-giai-sinh-vien-nghien-cuu-khoa-hoc-eureka-2018-1029084.html
oanhoanh2211
oanhoanh2211
Mem cấp 6
Mem cấp 6

Tham gia : 28/01/2016
Bài viết : 1202


Về Đầu Trang Go down

Ấm áp tình Đoàn kết tại buổi Giao lưu Văn hóa với Đại học Burapha Empty Re: Ấm áp tình Đoàn kết tại buổi Giao lưu Văn hóa với Đại học Burapha

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết