Hải Hậu A
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Mái trường tôi yêu – ngày ấy, bây giờ

Go down

Mái trường tôi yêu – ngày ấy, bây giờ Empty Mái trường tôi yêu – ngày ấy, bây giờ

Bài gửi by net 28/10/12, 10:34 pm

Tôi xoay nhẹ tay ga, chiếc Dream lướt trên đường nhựa, bỏ lại cây cầu Lạc Quần và dòng sông Ninh Cơ phía sau xa, đưa tôi băng nhanh về Hải Hậu. Trong gió sớm se lạnh thoảng thơm hương lúa tám đang vào mẩy, hướng cái đích mình đang tới, tâm tưởng tôi chợt rung ngân những vần thơ:

Tháng 5 về, ta lại bâng khuâng/ Lòng nao nao nhớ ngôi trường cũ/ Cành phượng xanh xoà bên cửa sổ/ Chúm chím hoa cười nghiêng ngó nhìn ta / Từ gốc phượng sân trường bao cánh chim bay xa/ Ta lẻ đàn phải quay về đồng cũ / Sống kiếp cánh bèo dâu trong ô ruộng nhỏ/ Cứ ước mênh mông như nắng trên đồng…”. Tiếng thơ đầy nồi niềm, lần đầu đến với tôi vào một chiều đã xa, đưa tôi về với ký ức của thời cắp sách học phổ thông dưới mái trường cấp 3 thân yêu cách đây tròn nửa thế kỷ, mà sớm nay tôi đang nao nức tìm về. Đó là mái trường cấp 3 Hải Hậu, nay mang tên mới là trường Trung học phổ thông A Hải Hậu – Nam Định, trường phổ thông cấp 3 hệ 10 năm đầu tiên được lập ở nông thôn miền Bắc Xã hội chủ nghĩa thời bấy giờ.

Nhanh thế, đã 50 năm trôi qua kể từ buổi sớm khai trường năm học đầu tiên 1960-1961 khó quên ấy. Hơn hai trăm cô cậu học trò chúng tôi, dấu ấn con nhà nông hiện rõ trong trang phục quần phăng áo gụ, háo hức tề tựu trên sân trường cấp 2 Hải Phương – nơi trường tôi “học nhờ” vì chưa có trường riêng – sắp hàng ngồi xổm trên nền đất theo lớp, mới hay cả trường chỉ có ba lớp 8 tuyển mới và hai lớp 9 chuyển từ trường cấp 3 Lê Hồng Phong trên thành phố Nam Định về. Trước mặt chúng tôi là 12 thầy cô, hầu hết đều rất trẻ, riêng thầy Hiệu trưởng Ngô Bá Cao chững chạc tuổi 30. Tôi biết chính xác tuổi thầy năm đó, vì mới đây thôi, vào sáng 17-10-2010, con cháu và anh em nội tộc của thầy đã làm lễ trọng mừng thầy thượng thọ tuổi 80!

Sau buổi khai trường đơn sơ mà trang trọng đó, chúng tôi tản về các lớp học mái tranh vách đất của trường cấp 2 Hải Phương, bắt đầu năm học đầu tiên của một trường phổ thông cấp 3 mà sau này, tên tuổi nhà trường luôn hiện sáng đẹp ở tốp đầu những trường Trung học phổ thông, không chỉ của đất học Nam Định thuộc trấn Sơn Nam Hạ xưa, mà ở cả phạm vi ngành giáo dục toàn quốc! Và tôi, cậu học trò nhỏ của lớp 8B khoá Một, được giao trọng trách của người đánh trống trường, sau đó được giao tiếp làm trưởng ban cán sự bộ môn Vật lý.

Năm học đầu tiên để lại trong tôi dấu ấn về những cuộc chạy Ma ra tông. Không phải những buổi học chạy đường dài của môn Thể dục. Đây là những cuộc chạy tập thể của học trò các lớp sau tiếng trống tan trường vào cuối chiều thứ bảy và sáng sớm thứ hai hàng tuần. Vâng, vào những thời điểm đó, chúng tôi hò nhau rảo bước, rồi thi nhau chạy, nhọc quá thì ngừng chạy trở lại bước rảo. Để kịp về nhà không quá muộn, ăn bữa cơm no với cả gia đình vào tối thứ bảy. Để kịp đến nhà trọ, tranh thủ “xào bài” và nhếu nháo bữa cơm trưa mang sẵn từ nhà đi, kịp giờ lên lớp lúc đầu chiều. Sao có sự hối hả kỳ cục vậy? ở đầu bài viết tôi đã nói về sự ra đời khá đặc biệt của trường tôi. Đó là trường cấp 3 đầu tiên mở ở nông thôn cho học sinh các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Hải Hậu tụ về học. Bởi vậy, trừ một số học sinh quê quanh xã Hải Phương ngày ngày cơm nhà đến lớp, số còn lại đều phải tìm nhà trọ học gần trường, chỉ tối thứ bảy và cả ngày chủ nhật được về với gia đình lấy tiền, lấy gạo, lấy ngô khoai đủ sống cho cả tuần tiếp theo ở nhà trọ. Đường về thì xa, bụng dạ tuổi đang lớn của thời đói kém lúc nào cũng ngót, xe đạp chẳng có-ba căn nguyên làm nên sự hối thúc những bước chân hối hả đường trường và những cuộc chạy Ma ra tông không có giải thưởng. Và chúng tôi, những học sinh khoá Một đã phải nghiêm chỉnh thực hiện hành trình khó tin đó trọn vẹn cả khoá học suốt ba năm trời!

Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng – như thầy Hiệu trưởng Ngô Bá Cao khẳng định trong một bài viết gần đây: “Có thể nói, thầy và trò khoá học đầu tiên của trường đã tạo dựng nên truyền thống chăm học, hiếu học để nhà trường từng bước vươn lên những đỉnh cao mới trong các khoá học sau này!”. Bằng chứng là, cho dù những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước, do hoàn cảnh lịch sử, sự nhìn nhận đánh giá con người nặng về “Thành phần chủ nghĩa” nên đã làm rơi rụng, thui chột nhiều năng lực học sinh, buộc họ phải về quê làm ruộng và sau đó đi bộ đội, đi thanh niên xung phong, đi làm công nhân ở các công – nông trường xa xôi heo hút chứ không được học lên đại học, nhưng bây giờ nhìn lại, hầu hết anh chị em học sinh khoá Một đều học xong Cao đẳng và Đại học, nhiều người có học vị Tiến sĩ, học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, sĩ quan cao cấp. Như Giáo sư – Tiến sĩ – Nhà giáo Nhân dân Lương Xuân Quỳ – nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội. Như Giáo sư -Tiến sĩ Ngô Quốc Thịnh – nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá dân gian. Khoá này còn có hai Nhà văn – Nhà báo, một con số thật hiếm hoi khi được biết rằng, đó là hai trong số 3 Nhà văn Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (người thứ ba là Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký, học sinh khoá Bốn) trong số gần 1000 học sinh tốt nghiệp trong 15 năm đầu lập trường, và đấy cũng là số 3 không đổi cho đến ngày hội trường tới đây, trong tổng số gần 16 ngàn học sinh đi ra từ mái trường này đã trở thành cán bộ các ngành các cấp, đóng góp công sức, tài năng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Người thứ nhất là đại tá - Nhà văn Hồng Diệu, một chuyên gia lý luận – phê bình Văn học uy tín, nhiều năm làm Trưởng ban Lý luận – phê bình của Tạp chí Văn nghệ quân đội, và ông gánh trọng trách đó đến ngày nghỉ hưu. Người thứ hai là tác giả bài bút kỳ này. Vâng, là tôi – người lẽ ra được bay sang Mas cơ va học Vật lý nguyên tử ở trường Đại học danh tiếng Lômôlôxốp tháng 5 năm 1963, nhưng đã buộc phải rẽ ngoặt đường đời vì lý do “Lý lịch không cơ bản (!)”. Bước rẽ đầu tiên là tôi phải về quê làm ruộng ba năm, bước tiếp theo là xin mãi mới được đi Thanh niên xung phong chống Mỹ, rồi tình nguyện chuyển sang làm công nhân mở đường lâm nghiệp thêm năm năm, trước khi được ngồi vào cái ghế biên tập văn chương tỉnh Hoà Bình. Tính ra, từ sau khi tốt nghiệp phổ thông tại trường cấp 3 Hải Hậu – Nam Định, tôi phải đi con đường vòng 27 năm trời đằng đẵng, truân chuyên mới có được danh hiệu Nhà văn - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cùng tấm bằng cử nhân Văn hoá, bằng Tốt nghiệp Lý luận chính trị cao cấp Nguyễn ái Quốc, và danh hiệu Đảng viên cộng sản! Tất cả những cái đó giúp tôi dành được sự tin cậy và được giao gánh vác việc này việc nọ, nhưng tôi vui nhất là với tư cách Nhà văn kiêm Nhà báo, tôi đã gửi đến bạn đọc ngót hai mươi tập truyện và tiểu thuyết, hàng trăm bài báo, sau nhiều năm tháng miệt mài với nghiệp cầm bút nhọc nhằn…

Ký ức xưa buồn – vui lẫn lộn, kế tiếp nhau hiện về khuấy động tâm trí, nhưng đã sắp bước sang tuổi “Thất thập tòng tâm sở dục bất du củ” (bảy mươi tuổi, trong lòng muốn điều gì cũng chẳng hề trái với lẽ thường), tôi không để ký ức ảnh hưởng đến cái đích đang đi tới, nơi có ngôi trường thân yêu tôi từng theo học 50 năm trước: về thăm trường cũ theo lời mời của Ban Giám hiệu nhà trường!

Mái trường tôi yêu – ngày ấy, bây giờ Image_19084_congtruongcu
Bây giờ, tôi đang ngồi trong phòng khách khá sang trọng của trường Trung học phổ thông A Hải Hậu với niềm vui dâng đầy tâm tưởng. Trước khi bước vào phòng này, tôi đã tranh thủ dạo một vòng quanh trường, say mê ngắm nhìn những phòng học khang trang trong các toà nhà tầng bề thế đang có ngót hai ngàn học sinh say mê nghe giảng, ngắm vườn sinh cảnh và sân chơi đẹp như công viên, ngắm toà hai tầng mới xây dựng để làm “phòng học chức năng”, ngắm phòng thí nghiệm, phòng máy tính và thư viện nhà trường xứng với tên gọi. Cơ ngơi thế này, ở thời điểm đầu những năm 60 thế kỷ trước, khi ngồi học nhờ trong những phòng học mái tranh vách đất của trường cấp 2 Hải Phương, dù có là người lãng mạn đến không tưởng, tôi và bè bạn chẳng thể hình dung được. Thảo nào trường Trung học phổ thông A Hải Hậu được Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận là một trong những trường Trung học phổ thông đầu tiên của tỉnh Nam Định và là trường thứ 12 của cả nước đạt Chuẩn Quốc gia ngay từ năm 2003.

Trước mắt tôi hiện diện đầy đủ Ban Giám hiệu và đại diện cấp uỷ cùng các đoàn thể nhà trường. Các anh chị thật trẻ. Hiệu trưởng của trường là thầy giáo Vũ Thế Hưng, một giáo viên giỏi môn Toán, được đề bạt Hiệu phó từ năm năm trước, sinh năm 1970. “Phó” cho anh là thầy Nguyễn Huy Hoạt và thầy Lê Văn Trường. Hiệu phó Nguyễn Huy Hoạt già dặn nhất trong bộ ba Giám hiệu, cũng chỉ sinh năm 1968, có “quan lộ” hiếm thấy. Không may tốt nghiệp Đại học Sư phạm đúng năm giáo viên cấp 3 bị dư thừa so với nhu cầu, trong khi giáo viên cấp 2 lại thiếu, anh vui vẻ xuống dạy cấp 2 một lèo chín năm liền, trở thành giáo viên dạy môn Hoá học có tiếng, chuyên dạy luyện thi học sinh giỏi cho cấp 2 và cả cấp 3. Mãi sau khi thành Hiệu phó trường Trung học cơ sở Hải Phương mấy năm, và sau khi thêm một kỳ “sát hạch” luyện thi cho học sinh giỏi môn Hoá thành công, anh mới được Nhà giáo Ưu tú Trần Tiến Dũng – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông A mời đích danh về làm giáo viên, rồi thành Hiệu phó của trường. Còn Hiệu phó Lê Văn Trường, cũng là giáo viên dạy giỏi môn Hoá, sinh sau Hiệu trưởng hai năm, nghĩa là anh ít hơn tuổi trường đến 12 năm có lẻ!

Vui vì sự trẻ trung và tự tin của ban lãnh đạo nhà trường, tôi càng mừng khi được nghe các anh tâm sự về đường đi nước bước trong hành trình 50 năm liên tục vượt khó để xây dựng ngôi trường thân yêu tôi từng theo học. Nửa thế kỷ qua, trường cấp 3 Hải Hậu xưa, nay là trường Trung học phổ thông A Hải Hậu, đã thật sự là cái nôi nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước. Gần 16 ngàn học sinh của trường, sau khi tốt nghiệp, đã thành những cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành từ địa phương đến Trung ương, trong đó có 12.978 người học qua các trường Cao đẳng, Đại học và sau Đại học, 2.365 người tham gia lực lượng vũ trang, 1.215 người đoạt giải Học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp Quốc gia. Nhiều tên tuổi học sinh làm vang danh cho trường. Bên những Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà văn, Nhà báo, tướng lĩnh thuộc thế hệ học sinh những năm đầu lập trường, trong vòng mười năm trở lại đây, không ít học sinh của trường giỏi giang khiến bè bạn gần xa thán phục. Nổi bật là hai chị em Đỗ Thị Hải Yến và Đỗ Xuân Bách. Cô chị đỗ thủ khoa khi thi vào Đại học Bách khoa thì cậu em trai, sau khi học xong Trung học phổ thông A Hải Hậu liền được vào học chuyên Toán Đại học Quốc gia Hà Nội, và đã đoạt Huy chương vàng tại một kỳ thi Toán Quốc tế. Hiện cả hai chị em họ Đỗ đều đang học bên Mỹ. Phải kể thêm Ngô Tiến Đạt, người đỗ thủ khoa trong kỳ thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2005, với số điểm tuyệt đối: 30/30!...

Có được những tên tuổi, những con số biết nói ấy, phần rất quan trọng là công lao những người Thầy. Anh Hưng, anh Hoạt, anh Trường cứ xuýt xoa kể về thầy Vũ Luyện, thầy Trần Tiến Dũng, thầy Lê Quốc Ca, thầy Bùi Đình Thắng, thầy Phạm Đức Nhuận… Dù mỗi thầy mỗi vẻ, gánh vác những công việc khác nhau của nhà trường trong các thời kỳ, nhưng đó thật sự là những người thầy đúng nghĩa của nhiều thế hệ học sinh, trong đó có chính các anh khi các anh còn ngồi học dưới mái trường này. Và chính các thầy, với tâm sức của mình, đã là chân đế vững chắc xây nên tượng đài truyền thống vẻ vang cho trường, một tượng đài mà dịp mở hội mừng 50 xây dựng nhà trường năm nay đã sáng rỡ bức trướng ghi danh đơn vị anh hùng!

Tận mắt ngắm nhìn sự trẻ trung, thái độ cầu thị và rất mực tôn trọng những người lớp trước của Ban Giám hiệu đương nhiệm, tôi mừng thầm cho ngôi trường thân yêu. Những người thầy trẻ trước mặt tôi đây sẽ đủ sức nâng trường Trung học phổ thông A Hải Hậu lên một tầm cao mới.

Hà Nội, trung tuần tháng 10/2010

Bút ký của
Phạm Ngọc Chiểu
Nhà văn – Học sinh khoá 1 (1960-1963)
net
net
Mem cấp 6
Mem cấp 6

Tham gia : 05/05/2010
Bài viết : 808


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết